01. BÃO THỔI – BÃO THỔI
Quản trò hô to: “Bão thổi, bão thổi”, mọi người hỏi lại: “Thổi ai ? Thổi ai ?” Quản trò bảo: “Thổi những ai đeo đồng hô !” Những ai có đeo đồng hồ đều phải chạy đổi chỗ cho nhau trong vòng tròn. Ai chậm chân nhất sẽ phải ra thay quản trò tiếp tục điều khiển.
Lưu ý: Câu hô “bão thổi, bão thổi” có thể thay bằng các câu khác như: “Kiến cắn, kiến cắn”, “Điện giựt, điện giựt”...
02. TỰ HỌA CHÂN DUNG
Quản trò bắt bài hát chỉ có ba chữ “Trán-cằm-tai” theo điệu nhạc phần đầu của bài “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, mọi người hát theo, tay chỉ đúng vào vào trán, vào cằm hay vào tai của mình khớp với lời đang hát. Tốc độ hát ngày một tăng.
03. TÔI BẢO THÌ LÀM
Quản trò hô: “Tôi bảo đứng !” Mọi người phải đứng. Quản trò bất ngờ không nói “Tôi bảo” mà chỉ hô: “Ngồi xuống !”, những ai lỡ ngồi xuống thì sẽ bị phạt sau khi trò chơi đã kết thúc. Cứ thế quản trò cứ đổi hành động và khẩu lệnh ngày một nhanh cho đến khi có được khoảng 10 bị phạt thì chuyển sang trò chơi phạt.
04. ÔNG NÓI GÀ, BÀ NÓI VỊT
Quản trò đứng trước một người nào đó trong vòng tròn, chỉ vào tai anh ta và nói: “Đây là cái mũi của tôi”, người kia phải chỉ mũi của mình và nói: “Đây là cái tai của tôi”. Ai nói hoặc làm sai thì phải ra thay quản trò tiếp tục điều khiển trò chơi hoặc bị phạt.
Lưu ý: Có thể nâng thêm mức độ khó: Quản trò chỉ vào đầu mình và nói: “Đây là cái lưng của các bạn”, mọi người phải tự vỗ vào lưng mà nói: “Đây là cái vai của anh”...
05. THỜI SỰ GIỰT GÂN
Quản trò ngồi giữa vòng tròn, hỏi to lên: “Ai ?” Một người chạy lên nói nhỏ vào tai quản trò tên ai đó có mặt trong vòng, ví dụ: “Anh Tèo !” Quản trò lại hỏi: “Làm gì ?” Một người khác chạy lên nói nhỏ một động từ, ví dụ: “Ăn vụng !” Quản trò lại hỏi về nơi chốn: “Ở đâu ?” – “Trong Sở Thú !” Quản trò hỏi tiếp: “Lúc nào ?” – “Giữa đêm khuya !” Có thể hỏi thêm: “Như thế nào ?” – “Một cách lấm lét !”
Cuối cùng, quản trò công bố bản tin thời sự cuối cùng: “Anh Tèo ăn vụng trong Sở Thú giũa đêm khuya một cách lấm lét...” Người có tên vừa nêu sẽ phải vào thay quản trò để hỏi và lập một bản tin mới .
06. BẮN CHÌM TẦU CHIẾN
Ngồi vòng tròn, quản trò cho điểm số 1, 2, 3. Cứ 3 người mang số 1, 2 và 3 thì họp lại thành một chiến hạm có mang số thứ tự ( như: tầu 1, tầu 2, tầu 3...) hoặc mang tên ( như: tầu Đen, tầu Trắng, tầu Vàng...). Ở mỗi tầu, khi nghe tầu khác gọi tên của tầu mình mà bắn, thì lập tức người bên trái nạp đạn kêu “clic”, tới người bên phải lên nòng kêu “clac”, rồi cuối cùng người ở giữa bắn “đùng” kèm theo tên của một tầu khác. Tầu nào bị sai hoặc bị chậm ở bất cứ khâu nào thì coi như chìm. Những tầu còn lại nếu gọi lầm tên của những tầu đã chìm cũng coi như bị loại. Cuối cùng, tầu nào sống sót sẽ được tất cả hát tặng một bài.
7. NỐI LỬA CHO ĐỜI
2 người bị bịt mắt, người lớn tuổi nhất cầm nến sáng, người nhỏ tuổi nhất cầm nến chưa thắp, được quản trò dẫn đến 2 nơi xa nhau. Mọi người hát chung bài “Nối lửa” của cha Tiến Lộc ( hoặc một bài có ý về thắp lửa ) đồng thời giúp 2 người tìm gặp nhau bằng cách vỗ tay mạnh hơn nếu đang đến gần nhau, vỗ tay nhẹ đi nếu đang rời xa nhau. Khi đã gặp nhau, 2 người cố gắng “nối lửa” cho nhau mà không làm tắt mất ngọn nến.
8. SỐNG-CHẾT-THIÊN ĐÀNG-HỎA NGỤC
Mọi người đứng thành vòng tròn. Quản trò hô “Sống, sống, sống !”, tất cả chạy nhẹ tại chỗ, nhanh chậm tùy theo nhịp độ hô thưa hay dồn của quản trò. Bất ngờ quản trò hô “Chết !”, tất cả phải đứng im lại ngay. Nếu nghe hô “Thiên Đàng !”, tất cả nhảy lên giang hai tay lên cao hình chữ V. Nếu nghe hô “Địa Ngục !”, tất cả ngồi xuống, hai tay bó gối. Quản trò sẽ hô một đàng, nhưng lại làm một nẻo, ai phản xạ chậm hoặc không đúng với tiếng hô khoảng 3 lần thì bị loại. Nếu có được 5, 6 người bị loại thì cho một trò chơi phạt, mọi người hát bài “Thiên Đàng, Địa Ngục hai bên...”
9. VỪA ĂN CƯỚP, VỪA LA LÀNG
Quản trò xin một người tình nguyện làm thám tử, dẫn anh ta đi khuất xa khỏi vòng tròn, rồi quản trò sẽ nhờ một người dùng kim băng gài sợi dây đeo còi ở sau lưng mình, dặn dò nhỏ cho mọi người biết cách thức mình sẽ đánh lừa ra sao. Mời thám tử trở lại vòng tròn, bảo anh ta rằng ở đây có một người đang bí mật giữ một chiếc còi và thỉnh thoảng lại thổi còi phá bĩnh, đề nghị anh ta điều tra. Quản trò khéo léo di động trong vòng tròn, luôn quay mặt về phía thám tử, thỉnh thoảng dừng lại đưa lưng trước mặt một người trong vòng, người này nhanh tay cầm lấy chiếc còi đeo sau lưng quản trò để thổi một tiếng. Quản trò lại nhanh chân di chuyển ngay sang chỗ khác, ra vẻ ngạc nhiên để đánh lừa thám tử. Thám tử sẽ phải cố gắng phát giác thủ phạm chính là quản trò “vừa ăn cướp, vừa la làng”. Tất cả sẽ hát tặng thám tử tài ba bài “Hoan hô anh này một cái...”
Vật dụng:1 chiếc còi có dây đeo không quá dài, 1 cây kim băng.
10. MỘT CÂY CÓ MẤY ĐẦU ?
Mọi người đứng vòng tròn, quản trò chỉ tay vào bất cứ ai và liên tục hỏi thật nhanh các câu hỏi sau đây: “Một cái que mấy đầu ?” (2 đầu) “Hai cái que mấy đầu ?” (4 đầu) “Một cái que rưỡi mấy đầu ?” (4 đầu) “ Hai que một phần ba mấy đầu ?” (6 đầu). Những ai trả lời sai sẽ bị tập trung phạt bằng một trò chơi khác.
11. ĐĂNG KÝ TẠM TRÚ
Luôn luôn số ghế ( hoặc dép ) ít hơn một so với số người chơi. Tất cả nắm tay nhau vừa hát một bài hát sinh hoạt quen thuộc, vừa đi vòng tròn quanh các chiếc ghế ( hoặc dép ). Bất ngờ, quản trò hô to: “Đăng ký !”, tất cả phải đáp lại: “Tạm trú !” rồi nhanh chân nhảy vào ngồi lên một chiếc ghế ( hoặc giẫm chân phải lên một chiếc dép ). Chắc chắn sẽ có một người chậm chân bị lọt sổ, loại ra khỏi vòng tròn. Quản trò cứ thế lấy bớt đi một chiếc ghế ( hoặc dép ) cho đến khi còn có 5, 6 người có nhà ở. Quản trò sẽ hô: “Thường trú !”, những người này sẽ mở vòng tay ra và hô to: “Xin mời !” rồi đón những người bị loại “vào nhà mình” bằng bài hát “Cái nhà là nhà của chung, xin đón anh em vào chung, sống chung trong tình thương mến, vui chung thân thiết vô cùng !”
12. CÁC DẤU CÂU
Quản trò quy định các ký hiệu bằng chân như sau:
Giậm mũi chân phải một cái: dấu chấm câu ( . )
Xoay người ngang, nhảy giậm cả hai chân: dấu 2 chấm ( : )
Mũi chân phải ngoáy một cái: dấu phẩy ( , )
Mũi chân phải ngoặc một vòng rộng rồi giậm 1 cái: dấu chấm hỏi ( ? )
Nhảy hai chân vào trong vòng tròn: dấu mở ngoặc kép ( “ ).
Nhảy hai chân ra ngoài vòng tròn: dấu đóng ngoặc kép ( “ ).
Sau đó, quản trò sẽ kể một câu truyện vui, đến các chỗ có các dấu thì hô to từng loại dấu câu, mọi người đồng loạt hô lại và làm theo. Coi chừng quản trò sẽ hô một đàng lại làm một nẻo, ai sơ ý bắt chước thì bị phạt.
13. TRUYỆN THẰNG CU TÝ
Các em đứng thành vòng tròn. Quản trò đưa hai tay làm loa và kể truyện: “Thằng Cu Tý !” Tất cả hỏi lại: “Thằng Cu Tý nó làm sao ?” Quản trò làm động tác nghịch đất, miệng bảo: “Thằng Cu Tý nó làm như thế này !” Tất cả lập lại câu nói và làm theo động tác. Quản trò lại đập hai tay liên tiếp, bảo: “Thằng Cu Tý bẩn lắm, hư lắm !” Tất cả nói và làm theo. Quản trò đập hai tay vào mông, nói: “Thằng Cu Tý bị ăn đòn!”... Cứ thế thành một câu truyện nhân bản với các câu: “Thằng Cu Tý khóc !”, “Thằng Cu Tý xin lỗi mẹ”, “Thằng Cu Tý ngoan !”, “Thằng Cu Tý cười...” hoặc một câu truyện giáo dục việc cầu nguyện: “Thằng Cu Tý đi ngủ !”, Thằng Cu Tý chợt nhớ còn quên một chuyện !”, “Thằng Cu Tý đọc kinh !”, “Thằng Cu Tý được Chúa khen ngoan !”
Lưu ý: Nên chọn các câu nói ngắn, vui, dễ hiểu và có ý dẫn tới một bài học đạo đức. Cũng nên chọn những động tác phù hợp cho dễ thương mà không bị thô lỗ, phản giáo dục, phản tác dụng.
14. THĂNG TRẦM ĐẢO LỘN
Quản trò đứng giữa vòng tròn, chỉ thật nhanh vào bất cứ ai, người này đưa cao hai tay lên và hô to: “Ta là vua !” Tức thì hai người hai bên phải quỳ một chân, chắp tay hướng về người ấy và nói: “Muôn tâu bệ hạ !”. Cứ thế, có khi người mới làm vua đã chuyển thành thần dân, hoặc ngược lại. Ai làm chậm hoặc sai thì bị loại bằng cách phải ngồi bệt xuống đất.
Lưu ý: Có thể chơi ngay trong lớp học, quản trò đứng ở lối đi giữa lớp và vừa hô vừa làm động tác. Có thể thêm những câu và động tác khác như: “Vua đi xuống hang !” thì tất cả phải chui xuống gầm bàn để luôn thấp hơn vua; hoặc “Vua đi ngủ !” thì tất cả phải đưa tay quạt; hoặc quản trò chỉ các dãy bàn trái: “Ta là vua !” thì các dãy bàn bên trái phải quay sang mà xá và hô: “Muôn tâu bệ hạ !”
15. KẾT MỘT CHÙM HOA
Mọi người đứng vòng tròn. Quản trò hô: “Kết chùm ! Kết chùm !” Tất cả hỏi lại: “Chùm mấy ? Chùm mấy ?” Quản trò hô: “Chùm 5 ! Chùm 5 !” Tất cả nhanh chóng tản ra tìm nhau để kết thành từng cụm 5 người một. Ai chậm chân không tìm được cụm để vào thì bị loại ngay chờ phạt. Có thể tăng mức độ khó hơn, ví dụ: “Chùm 3 cây, 4 rễ, 2 cành !” tức là mỗi cụm chỉ có 3 người đứng trên 4 chân và 2 tay chạm đất. Xen kẽ và kết thúc có thể hát: “Mỗi người là một cành hoa...”
16. CHANH CHUA, CUA KẸP
Mọi người đứng thành vòng tròn, tay trái mở ra đưa cao ngang ngực, còn tay phải thì chụm lại đặt vào giữa lòng bàn tay trái của người bên cạnh. Quản trò sẽ đóng vai một người đầu bếp đi chợ, vừa đi rảo quanh vòng tròn, vừa kể lể. Bất ngờ trong câu chuyện, quản trò sẽ hô: “Mua cua !”, mọi người sẽ hô đáp lại “Cua kẹp !” và tay trái chụp ngay tay phải của người bên cạnh. Quản trò lại có thể hô: “Mua chanh !”, mọi người hô đáp lại: “Chanh chua !” và tay phải sẽ xòe ra đập thật nhanh xuống tay trái của người bên cạnh. Nếu ai không nhanh tay tránh, để bị người khác kẹp hoặc đập trúng thì coi như bị loại, vòng tròn thu nhỏ lại. Khi số người thua đã kha khá thì ngưng lại để cho một trò chơi phạt.
17. TRẢ LẠI CHO XÊ-DA
Mọi người ngồi vòng tròn, tự mỗi người chọn một vật nhỏ của mình rồi đặt trước mặt mình. Tất cả đều phải quan sát kỹ vật gì và của ai. Quản trò đi thu tất cả các món vật, bỏ vào một cái túi lớn, đặt túi ở giữa vòng tròn. Nghe hiệu lệnh bắt đầu, quản trò sẽ đếm từ 1 tới 10, tất cả phải chạy lên, nhặt lấy một vật trong túi rồi bằng trí nhớ, chạy đi tìm đúng chủ của nó để trao. Nếu trả lầm người thì không được nhận. Sau 10 tiếng đếm, ai không tìm được chủ của món vật mình đang cầm thì bị phạt.
Vật dụng:Các vật dụng tùy thân của mỗi người như: chùm chìa khóa, bật lửa ga, bút viết, ví tiền, đồng hồ...
18. TRUYỀN ĐIỆN, CHUÔNG REO
Tất cả ngồi vòng tròn nắm lấy tay nhau. Quản trò mời một người tình nguyện làm kỹ sư công ty điện lực. Người này sẽ ra ngoài một lát. Những người còn lại thỏa thuận chọn một người làm nguồn phát điện. Một người khác làm chuông reo và một người làm ra-đi-ô. 3 người này ngồi tương đối cách xa nhau. Mời kỹ sư vào. Quản trò ra hiệu lệnh. Người làm nguồn điện bí mật phát điện về bên trái ( hoặc về bên phải tùy ý ) bằng cách bấm nhẹ vào tay người bên trái ( hoặc tay người bên phải ). Người này lại tiếp tục truyền điện. Điện truyền đến chuông thì chuông reo, truyền đến ra-đi-ô thì ra-đi-ô phát ra một bài hát sinh hoạt, thế là mọi người hát theo. Điện truyền về đến máy phát điện thì người này có quyền đổi chiều dòng điện để truyền ngược lại. Kỹ sư công ty điện phải “bắt quả tang” điện đang truyền tới người nào. Người bị bắt phải thay anh ta làm kỹ sư và trò chơi tiếp tục.
19 - lỤC VÂN TIÊN
Qt: Lục Văn Tiên (hai tay chống hông)
TC: nhắc lại (làm theo cử điệu)
Qt: Cõng mẹ (hai tay đưa lên lưng và hơi cúi )
TC: nhắc lại (làm theo cử điệu)
Qt: Vác búa (hai tay đưa lên hai vai)
TC: nhắc lại (làm theo cử điệu)
Qt: Bổ cọp (hai tay bổ mạnh xuống đất).
Lưu ý: Qt có thể hô một đàng làm một nẻo.
20 - BẮN: TÍCH - TẮC - ĐÙNG
Qt : Kết chùm, kết chùm.
TC : chùm mấy chùm mấy
Qt: kết chùm 3 (có thể nhiều hơn..)
Lưu ý:
Mỗi nhóm sẽ có một số. Trước khi bắn cả nhóm ngồi xuống rồi đứng lến, người trái nói Tích, người phải nói Tắc, người giữa bắn Đùng rồi chỉ vào số định bắn, nếu bắn sai sẽ bị chết.
21 - BẮN THÚ
Cách trơi giống như trò chơi số 7, nhưng mỗi nhóm phải chọn cho mình một tên con vật nào đó.
22 - BẮN THÚ
Qt: Nhảy lên, dơ hai tay đồng thời nói tên một con vật biết bay.
Mọi người chơi làm theo Qt.
Qt có thể bay nhưng lại nói tên con vật không bay được,nhằm bắt lỗi người chơi.
23 – TA LÀ VUA
Qt đến gần ai đó và nói
Qt *Ta là Vua
TC: Tâu Bệ Hạ (chấp hai tay trước ngực).
Lưu ý: Vua càng hà thấp thì người chơi luôn phải cúi thấp hơn.
24 – ĐI TRUYỀN GIÁO
Qt : Đi truyền giáo đi truyền giáo;
TC: Truyền điều chi, truyền điều chi ?
Qt: 5 người đi thăm bệnh nhân
Lưu ý:
Qt cho đứng thành vòng tròn rồi điểm danh từ 1 đến hết, mỗi người sẽ phải nhớ số của mình.
Qt có thể gọi bất cứ số nào và đi làm gì, người chơi phải làm theo động tác mà Qt vừa nói.
Khi muốn dừng lại Qt hô Hết Bệnh, mọi ngươi đang chơi phải tìm cho mình một chỗ ở vòng chơi, nếu không tìm được chỗ đứng thì lại thay Qt.
25 – ĐI CHỢ
Lưu ý: Cách chơi cũng giống như trò chơi số 9, nhưng mỗi người phải chọn cho minh một vật gi hay đồ dùng gì.
Khi muốn kết thúc Qt hô Hết Tiền, những người chơi phải tìmm chỗ đứng cho mình…
26 - TIỆC MỪNG NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG TRỞ VÊ
Cách chơi: Mỗi người chọn cho mình một con vật, Qt nhờ một người vào và đi chọn cho Qt con gi Qt muốn, người được chọn ra giữa khi Qt đặt tay lên đầu người đó, người đó kêu đúng tiếng con vật mình chọn, nếu đùng thì người đi tìm thắng cuộc, nếu không người đó lại phải đi tìm tiếp.
CÁC MẪU TRÒ CHƠI SINH HOẠT ĐỐI KHÁNG
01. ĐỒNG LÒNG NHẤT TRÍ, MƯỜI NGƯỜI NHƯ MỘT
Mỗi Đội có số người bằng nhau ( khoảng 10 người là tốt nhất ). Tất cả đều dùng khăn quàng bịt mắt, trừ người đứng cuối Đội. Mục tiêu hướng tới là một cây cờ, cách xa vạch xuất phát 20m, ở khoảng giữa có nhiều chướng ngại vật nhân tạo ( như ghế, bàn, lều trại... ) hoặc tự nhiên ( như lạch nước, hàng rào, mô đất... ). Nghe hiệu lệnh còi, đoàn tàu hỏa gồm “người mù mắt” hai tay đặt lên vai nhau đi tới theo sự hướng dẫn của “người sáng mắt” đứng cuối hàng làm tài xế. Tài xế muốn rẽ phải thì đập tay phải lên vai phải, rẽ trái thì đập tay trái lên vai trái, đi thẳng thì đập cả 2 tay lên 2 vai của người đứng áp chót, cứ thế người sau đập truyền lên người trước, cho tới người đầu tiên để biết định hướng mà đi, vượt qua các chướng ngại vật, đạt tới mục tiêu nhanh nhất thì thắng cuộc.
Vật dụng: 1 cây gậy 1m60 có treo cờ, mỗi người 1 khăn quàng và một số bàn ghế...
02. LONG XÀ QUYẾT ĐẤU
Một Đội làm Rồng, một Đội làm Rắn. Người trong mỗi Đội vòng tay ôm chắc bụng nhau để di chuyển mà không để bị đứt khúc. Đầu Đội này sẽ vừa che chắn bảo vệ đuôi của mình, lại vừa quơ tay tìm bắt cái đuôi của Đội kia.
Bất ngờ, quản trò thổi còi, cả Đội đảo ngược, đổi đầu làm đuôi, lấy đuôi làm đầu. Đội nào bị đứt nửa chừng, hoặc bị Đội kia bắt được, đập 3 cái lên người làm đầu hoặc làm đuôi thì bị thua, nhận hình phạt cõng Đội kia đi một vòng.
03. HAI NGƯỜI BA CHÂN
Hai Đội đứng ở vạch xuất phát, hướng về mục tiêu có cắm 2 lá cờ. Hai cặp đầu tiên của mỗi Đội sẽ dùng khăn quàng buộc chân bên trái người này với chân bên phải của người kia bằng một nút dẹt. Nghe hiệu lệnh còi, 2 cặp người 3 chân sẽ đi thật nhanh lên nhổ lấy cây cờ rồi vòng về, tới ranh giới Đội, một người trao cờ, một người mở khăn trao cho cặp kế tiếp, đi lên cắm lại lá cờ. Cứ thế, Đội nào hết người trước sẽ thắng.
Vật dụng: 2 khăn quàng và 2 gậy 1m60 có treo một lá cờ nhỏ.
04. MÒ KIM ĐÁY BIỂN
Luật chơi: Quản trò tổ chức thành 2 lượt đấu:
• Lượt đầu: 2 người đầu tiên của 2 Đội đứng ở vạch xuất phát, chân đi dép hoặc giầy, chạy nhanh lên vị trí để bao tải cách xa 8m, cởi ra và bỏ vào một chiếc, rồi chạy về đập vào tay người kế tiếp, cứ thế chạy lên cho đến hết Đội.
• Lượt hai: Mỗi người lại lần lượt chạy lên lục trong bao tìm đúng chiếc dép hoặc giầy của mình, rồi chạy về, cứ thế cho đến khi ai nấy đã có đủ dép hoặc giầy như cũ. Đội nào xong trước sẽ thắng.
Vật dụng: 1 cái bao tải lớn cho cả 2 Đội bỏ dép hoặc giầy chung.
05. KỴ MÃ ĐẤU THƯƠNG
2 Đội đi từ vạch xuất phát, từng cặp một cõng nhau cầm cây “thương” bằng tre lên thi đấu, người được cõng cố gắng chọc hoặc khều cho nổ chiếc bong bóng đeo ở đầu cây tre của đối phương. Một hiệp đấu là 3 phút. Hết thời gian thi đấu, Đội nào còn nhiều bong bóng chưa nổ trên đầu gậy thì thắng. Thay vì cột bong bóng, có thể dùng chiếc mũ lưỡi trai xỏ trên đầu cây tre.
Vật dụng:Một số gậy tre 1m60 tương ứng với số cặp đấu, mũ lưỡi trai, hoặc bong bóng và dây cao su buộc bong bóng.
06. MỘT BƯỚC LÀ THÀNH CÔNG
Vẽ 3 vòng tròn đường kính 0m50 ở 3 đỉnh một hình tam giác đều có cạnh dài 3m, bên trong để 3 chiếc khăn quàng. 3 người của 3 Đội bị ràng buộc với nhau ở ngang vòng bụng bởi một sợi dây thừng lập thành một hình tam giác đều có cạnh dài 2m. Nghe hiệu lệnh còi của quản trò, cả 3 người đứng ở giữa hình tam giác lớn, đều cố gắng lựa thế vươn tới lấy cho được chiếc khăn quàng ở vòng tròn phía góc của mình. Bên ngoài 3 Đội hò reo động viên người của Đội mình. Thời gian một hiệp đấu là 3 phút, ai lấy được khăn quàng trước sẽ thắng. Trò chơi tiếp tục với 3 người khác. Chú ý: không được dùng chân để khều.
Vật dụng:3 chiếc khăn quàng, 1 sợi dây thừng dài hơn 6m.
07. THẰN LẰN CỤT ĐUÔI
2 Đội đều là những con “thằn lằn” có “đuôi” bằng một cành lá ( hoặc 1 mẩu dây dù, 1 giải giấy màu ) đeo ở cạp quần sau lưng, đứng đối diện cách xa nhau 3m. Nghe hiệu lệnh còi của quản trò, 2 bên xáp lại, vừa tìm cách giựt đứt “đuôi” bên kia, vừa phải bảo vệ “đuôi” của mình và của đồng đội. Sau 3 phút chiến đấu, quản trò cho ngừng lại, đếm xem bên nào còn nhiều “đuôi” hơn thì thắng. Kết thúc, hát bài “Hai con thằn lằn con đua nhau cắn nhau đứt đuôi...”
Vật dụng: Giấy màu, kéo...
08. ĐÔI GIẦY ĐÂY RỒI !
Chia 2 đội, mỗi người bỏ ra một chiếc giầy hoặc dép để trong một vòng tròn đường kính 2m cách mức khởi hành 5m. Quản Trò ra hiệu lệnh, lần lượt từng người mỗi Đội chạy lên tìm và mang giầy, xỏ dép vào chân, chạy trở về mức, đập tay cho người lên kế tiếp. Đội nào xong trước tập họp hàng ngang trình diện để Quản Trò kiểm tra xem có xỏ đúng dép và cột dây giầy đàng hoàng chưa.
09. ĐÀN VỊT VÀO CHUỒNG
Vạch trên cát hoặc vẽ phấn trên sân một hình tròn đường kính 4m làm cái ao, cách đó 4m lại có thêm một hình tam giác đều mỗi cạnh dài 4m làm cái chuồng vịt. Giới hạn tất cả bên ngoài bằng một hình tròn lớn có đường kính 10m. Quản trò kể câu truyện: “Có một đàn vịt ham chơi, đến chiều rồi mà vẫn không chịu vào chuồng ( hình tam giác ), cứ thích bơi trong ao ( hình tròn ), vì thế những người chăn vịt cứ phải tìm cách lùa bắt đàn vịt về...” Một Đội làm phe những người chăn vịt, Đội còn lại làm đàn vịt đứng trong hình tròn. Nghe hiệu lệnh bắt đầu, đàn vịt chạy tỏa ra trong giới hạn của hình tròn lớn. Những người chăn vịt phải cố gắng chia nhau chặn đường và đuổi bắt từng con vịt đem nhốt vào chuồng trong hình tam giác. Nếu vịt lại nhảy xuống ao thì không được bắt. Nếu vịt nào tìm cách chạy đến đập vào người một con vịt đang ở trong chuồng thì giải thoát được cho bạn ra ngoài. Nếu vịt nào lỡ chạy ra khỏi hình tròn lớn làm giới hạn bên ngoài, coi như mất tích, bị loại ngay khỏi trò chơi. Trò chơi kết thúc khi vịt đã bị bắt hết vào chuồng. Chơi lần thứ hai, hai Đội đổi vai cho nhau. Quản trò xem đồng hồ tính thời gian xem Đội nào lùa được vịt nhanh nhất. Cuối cùng, các con vịt mất tích bị tập trung lại chịu một hình phạt.
10. PHÊ-RÔ THẢ LƯỚI
Vạch trên cát hoặc vẽ phấn trên sân một hình tròn đường kính 10m làm biển cả. Một Đội làm lưới bắt cá bằng cách nắm chắc lấy tay nhau thành vòng tròn, Đội còn lại làm cá. Quản trò kể truyện Đức Giê-su xuống thuyền ông Phê-rô... Nghe hiệu lệnh bắt đầu, cá liền bơi tung tăng ra các phía, nhưng không được ra khỏi ranh giới biển. Còn lưới thì tìm cách bắt lấy cá bằng cách chuyển vòng tròn nắm tay nhau chụp xuống bao quanh cá. Cá có thể lẻn chui ra dưới các cánh tay chứ không được gỡ vòng tay. Trò chơi kết thúc khi cá đã bị bắt hết vào lưới. Chơi lần thứ hai, hai Đội đổi vai cho nhau. Quản trò xem đồng hồ tính thời gian xem Đội nào bắt được cá nhanh nhất.
11. CHIẾN THẮNG CÁM DỖ
Vạch trên cát hoặc vẽ phấn trên sân một hình tròn đường kính 4m làm tâm hồn. Bên ngoài hình tròn là cuộc đời thế gian. Đội bên ngoài làm ma quỷ cám dỗ, mỗi người lấy một vật bất kỳ tượng trưng cho các cám dỗ đem đặt vào trong hình tròn. Đội còn lại đứng trong hình tròn làm người bị cám dỗ. Nghe hiệu lệnh bắt đầu, Đội người đứng trong hình tròn phải cúi nhặt rồi ném đi thật xa tất cả các vật cám dỗ, Đội ma quỷ đứng ngoài tìm cách nhặt lại để ném trở vào. Nếu bên trong không còn vật nào thì Đội người thắng. Chơi lần thứ hai, hai Đội đổi vai cho nhau. Quản trò xem đồng hồ tính thời gian xem Đội nào chiến thắng được các cám dỗ nhanh nhất.
Vật dụng: Mỗi người chọn một vật khác nhau của mình như: khăn quàng, mũ, giầy, dép, quả bóng nhựa...
12. CÔNG TY CẤP NƯỚC
Các Đội có số người bằng nhau, xếp hàng một ở vạch xuất phát, bên cạnh một chậu đầy nước. Cách đó 10 m để cho mỗi Đội một vỏ chai nước khoáng bằng nhựa. Nghe hiệu lệnh bắt đầu, người của mỗi Đội sẽ dùng hai tay vốc nước, chạy lên rót vào vỏ chai, rồi chạy về đánh tay cho đồng đội vốc nước lên tiếp. Những người còn lại hò reo cổ võ. Đội nào được đầy chai nước trước sẽ thắng cuộc. Cũng có thể cho đấu loại để vào chung kết.
Vật dụng: 1 số chậu nước, 1 số vỏ chai nước khoáng bằng nhựa.
13. TRIỂN LÃM CHÂN GIÒ !
Một Đội được triển lãm chân giò cho Đội kia quan sát trước thật kỹ. Sau đó, Đội triển lãm sẽ căng một tấm bạt to chắn ngang, che khuất cả đầu, bên trong, các ống quần được xắn cao lên quá đầu gối, xáo trộn vị trí đứng hoặc đứng tréo chân lẫn nhau. Nghe hiệu lệnh, Đội triển lãm sẽ giơ cao tấm bạt lên, để ló ra các chân giò từ đầu gối trở xuống. Quản trò bắt đầu tính giờ. Đội quan sát sẽ có 3 phút để nhận diện đôi chân nào của người nào, rồi đồng loạt hô to tên người ấy. Nếu đúng, người trong Đội triển lãm sẽ phải nhô đầu lên trình diện: “Dạ thưa, em đây ạ !” rồi bị loại ra khỏi cuộc triển lãm. Nếu sai, tất cả Đội sẽ cùng cười lên một tràng cười khoái chí để áp đảo tinh thần. Hết giờ, Đội triển lãm hạ tấm bạt, quản trò đếm xem còn mới người. Chơi tiếp hiệp hai, tới phiên Đội quan sát được triển lãm. Kết thúc, quản trò sẽ công bố Đội thắng cuộc là Đội đã nhận diện được nhiều người nhất.
Vật dụng: Một tấm bạt căng lều, hoặc một cái chăn lớn.
14. VÂN TIÊN CÕNG MẸ ĂN BÁNH
Giữa sân, căng ngang 2 cột một sợi dây thép, có bao nhiêu Đội thì treo trên dây thép một cái bánh đa to. Các cặp đấu của mỗi Đội cõng nhau đứng ở vạch xuất phát cách xa 2 cột mốc là 6m. Nghe hiệu lệnh, quản trò bắt đầu đếm từ 1 tới 30, các cặp tiến lên, khi tới nơi, người được cõng sẽ cố gắng cắn và nhai bánh đa càng nhiều càng tốt mà không được dùng tay giữ bánh đa, cũng không được làm cho bánh đa vỡ rơi xuống. Hết 30 tiếng đếm, quản trò thổi còi, các cặp quay về để các cặp đồng đội của mình lên ăn bánh đa tiếp. Khi các cặp đã lên hết, bánh đa của Đội nào còn ít nhất thì Đội ấy thắng.
15. CHỐNG SÀO VIỆT DÃ
Vạch trên đất 2 vạch nằm ngang ( vạch xuất phát và mức đến ) cách xa nhau 10m. Các tổ 5 người của mỗi Đội cầm gậy chuẩn bị sẵn ở vạch xuất phát. Nghe hiệu lệnh, 2 người trước và 2 người sau cầm song song 2 gậy tre, người thứ năm tay chống sào dài nhẩy lên đứng 2 chân trên 2 gậy tre. Tất cả cùng bước, tới mức đến thì người chống sào nhẩy xuống, 4 người giữ nguyên 2 gậy tre, chỉ xoay người đổi lại, người chống sào lại nhẩy lên, tất cả cùng về, các tổ khác lại tiếp tục đi cho tới hết. Đội nào hết trước là thắng.
Vật dụng: Khá nhiều gậy tre dài 1m60 và 2m.
Lưu ý: Khoảng cách chiều ngang giữa các Đội tối thiểu lm